văn hóa - xã hội
Sáng 14/9/2022, Quận Long Biên tổ chức đánh giá kết quả hoạt động phòng, chống dịch bệnh Sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về phòng, chống dịch SXH trong thời gian tới.
Đồng chí Đinh Thị Thu Hương - Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy - Phó Chủ tịch UBND quận - Trưởng Ban chỉ đạo công tác CSSKBĐ & DSKHHGĐ chủ trì cuộc họp; tham dự có các thành viên Ban chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo UBND các phường.
Tính đến ngày 12/9/2022, quận Long Biên có 68 ca mắc SXH (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021), 01 trường hợp tử vong; số ca bệnh phân bố rải rác tại 11/14 phường (trừ Ngọc Thụy, Gia Thụy, Việt Hưng). Qua điều tra, đánh giá dịch tễ, đã xác định có 07 ổ dịch, phân bố tại 04 phường (Sài Đồng; Long Biên; Phúc Đồng; Bồ Đề). Theo báo cáo của 02 phòng khám đa khoa Bồ Đề, Sài Đồng; 14 Trạm Y tế phường và một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài công lập trên địa bàn: số trường hợp đến khám và được chẩn đoán theo dõi SXH tăng nhanh trong thời gian gần đây, từ ngày 14/7 đến 12/9/2022 có 777 trường hợp, trong đó chỉ riêng trong tháng 8/2022 và đầu tháng 9/2022 đã có trên 130 trường hợp.
Đồng chí Đinh Thị Thu Hương - Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy - Phó Chủ tịch UBND quận
kết luận cuộc họp
Ngay từ đầu năm 2022, Quận đã chỉ đạo, triển khai khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch SXH, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch khi số ca mắc bắt đầu có dấu hiệu tăng nhanh. Triển khai nhiều hình thức tuyên truyền về các nội dung về phòng chống dịch SXH và các loại dịch bệnh khác tới các khu dân cư, hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn như phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh phường, đăng tải trên cổng thông tin điện tử, cổng Zalo chính quyền điện tử và các nhóm các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber...; cấp phát 32.674 tờ rơi đến từng hộ gia đình; tổ chức 12 lớp tuyên truyền tại 12/14 phường với 2.164 người tham dự.
Quận cũng đã triển khai tổ chức 02 chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải diệt bọ gậy phòng, chống SXH trên phạm vi toàn quận vào tháng 6 và tháng 7/2022. Số hộ gia đình được kiểm tra việc thực hiện vệ sinh môi trường là: 84.649/86.198 hộ đạt 98,2%. Huy động số người tham gia chiến dịch là 3.351 người. Hàng tuần duy trì công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy vào sáng thứ bảy, tập trung tại 38 tổ/14 phường với 257 khu vực, địa điểm trọng điểm, nguy cơ có nhiều dụng cụ, phế liệu, phế thải chứa nước, bọ gậy. Có 10/14 phường tình hình dịch SXH đang ở tình huống 2 (quy mô phường).
Bên cạnh đó, công tác giám sát dịch tễ, đánh giá nguy cơ dịch bệnh được triển khai thường xuyên; kịp thời can thiệp, xử lý môi trường, phun thuốc diệt muỗi chủ động tại các khu vực nguy cơ cao; kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Vì vậy đã giải quyết được phần lớn các ổ bọ gậy, muỗi truyền bệnh, giúp hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Tại cuộc họp đã có 7 ý kiến phát biểu về công tác phòng, chống SXH.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, đồng chí Đinh Thị Thu Hương - Ủy viên Ban thường vụ Quận ủy - Phó Chủ tịch UBND quận - Trưởng Ban chỉ đạo công tác CSSKBĐ & DSKHHGĐ đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các đơn vị trong công tác phòng chống dịch SXH trong thời gian qua.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, số mắc SXH ngày càng tăng cao, nguy cơ dịch có thể bùng phát và lây lan trên diện rộng trên địa bàn, đồng chí Phó chủ tịch UBND quận – Trưởng Ban chỉ đạo yêu cầu các đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch SXH, tập trung vào các nội dung sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch SXH bằng nhiều hình thức; vận động người dân chủ động thực hiện vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, diệt muỗi; khi có dấu hiệu mắc bệnh phải đến cơ sở y tế để khám, điều trị sớm không được chủ quan, tự điều trị tại nhà để giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và tử vong.
2. Tiếp tục triển khai các đợt tổng VSMT, diệt bọ gậy trong tháng cao điểm về dịch SXH đảm bảo xử lý triệt để các ổ bọ gậy. Duy trì tổng VSMT vào thứ bảy hàng tuần đối với các địa điểm, khu vực nguy cơ cao.
3. Tăng cường tần suất giám sát dịch tễ, trọng điểm tại các khu vực, địa điểm nguy cơ cao để phát hiện sớm ca bệnh, đánh giá mức độ, tình hình dịch trên địa bàn để có biện pháp can thiệp kịp thời.
4. Duy trì thường xuyên công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân nhằm hạn chế thấp nhất số trường hợp chuyển nặng và tử vong do SXH.
5. Rà soát, bổ sung đảm bảo sẵn sàng về hậu cần (kinh phí, nhân lực, thuốc, trang thiết bị, máy móc, vật tư) để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch trong mọi tình huống.
6. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các phường, cơ quan, doanh nghiệp, công trường, trường học và các hộ gia đình. Kiên quyết của lý các trường hợp cố tình không thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP./.