các bài viết chuyên sâu

Người nữ thương binh nghị lực, quyết tâm vượt khó xây dựng gia đình hạnh phúc
Ngày đăng 04/07/2016 | 16:02  | Lượt xem: 1166

Trong dịp cùng anh chị em đi vận động nhân dân tham gia xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” năm 2016, chúng tôi đến thăm một gia đình cựu chiến binh - một thương binh trong kháng chiến chống Mỹ. Bà là Nguyễn Thị Dạn hiện đang cùng gia đình cư trú tại tổ 18 phường Sài Đồng.

Là ngày nghỉ cuối tuần nên chúng tôi gặp cả ông bà ở nhà, ông là Nguyễn Trọng Hoa hiện là phó Chủ tịch MTTQ phường Sài Đồng. Ngồi nghe ông bà kể chuyện, ông Hoa nói: "Chúng tôi là người cùng quê, sinh ra ở phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Là lớp thanh niên lớn lên trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, chúng tôi lên đường nhập ngũ và tham gia chiến đấu tại chiến trường".

Bà gia nhập lực lượng thanh niên tình nguyện năm 1964, biên chế tại Công trường 111, có nhiệm vụ chuyên bắc cầu phao phục vụ cho các đoàn xe quân sự chở bộ đội, hàng hóa và vũ khí ra tiền tuyến. Lúc đầu đóng quân tại Lai Châu, Sơn La,  năm 1966 chuyển về F 153 Từ Liêm, Hà Nội. Từ đây đơn vị liên tục đi phục vụ tại các vùng có chiến sự ác liệt như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh v.v..Trải qua những cuộc chiến đấu ác liệt dưới làn mưa bom máy bay giặc Mỹ, đơn vị bà vẫn kiên cường, dũng cảm chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tháng 10 năm 1967, trung đội quyết tử (đơn vị bà) được cấp trên điều từ Quảng Bình ra Hà Nội. Vừa hành quân về đến Thủ đô, đơn vị lại được điều đi tăng cường ứng cứu cho cầu Rào Hải Phòng. Tại đây, đơn vị tham gia giải tỏa cho 103 xe ô tô vận tải qua sông an toàn chở vũ khí ra Đồ Sơn để chuyển vào chiến trường miền Nam. Trong trận chiến đấu ác liệt đó, đã có 4 đồng đội của bà hy sinh, 2 người bị thương trong đó có bà. Đơn vị chuyển bà vào bệnh viện Việt Tiệp cấp cứu và điều trị. Do vết thương nặng, phải cưa một chân, từ đó bà trở thành một thương binh, hằng ngày phải gắn liền với cặp nạng bên mình.

Năm 1968, đơn vị cho bà đi học lớp đánh máy chữ tại Từ Liêm Hà Nội, sau đó về công tác tại đơn vị cũ F153. Năm 1982, bà được về nghỉ hưởng chế độ thương binh hạng 1/4 và cùng gia đình cư trú tại phường Sài Đồng, quận Long Biên, Hà Nội cho đến nay.

Tiếp tục câu chuyện, bà kể: năm 1965, trong một lần từ Quảng Bình, tranh thủ được đơn vị cho về nghỉ phép, gia đình hai bên đồng ý cho ông bà nên vợ nên chồng. Cưới nhau được 2 ngày thì mỗi người đi một ngả, trở về đơn vị tiếp tục tham gia chiến đấu. Năm 1969, ông bà có đứa con gái đầu lòng, năm 1973 rồi năm 1979 tiếp tục sinh thêm 2 cháu gái nữa. Vì ông nhà là con trai trưởng của gia đình và dòng họ, nên phải chịu áp lực sinh được con trai. Năm 1982, ông bà gắng sinh thêm một lần nữa và lại một cháu gái chào đời.

Các cháu đều sinh ra trong thời bao cấp, khó khăn và thiếu thốn đủ đường, không chỉ thiếu lương thực, thực phẩm mà nhiều khi còn thiếu cả nước sạch. Đến bây giờ ông bà vẫn không thể quên cảnh khi sinh đứa con đầu lòng; tại nơi làm việc không có nhà gửi trẻ, họ phải dìu dắt nhau kiếm tầu, xe đưa con về nhờ ông bà nội, ngoại. Giờ nghĩ lại, có kể chuyện với con cháu thì chúng đều cho đó là chuyện cổ tích! Vừa nói bà vừa rơm rớm nước mắt khi nghĩ về những ngày gian nan cơ cực ấy.

 

Là một thương binh nặng (bị cắt cụt chân bên phải phía trên đầu gối, chân còn lại bị thương nhiều chỗ, bánh chè đầu gối bị dập nát, cứng khớp, chân thẳng đơ không co được), đi lại phải nhờ vào đôi nạng nhưng bà vẫn không hề bi quan, không bị mặc cảm, vẫn nghị lực và biết vươn lên trong cuộc sống. Được chồng sống cạnh bên, động viên, giúp đỡ, ông bà đã vượt qua tất thảy mọi khó khăn. Vợ chồng, con cháu  sống vui vẻ, hòa thuận. Từ khi về nghỉ chế độ, bà ở nhà làm công việc nội trợ, cùng ông nuôi dạy các con khôn lớn. Bà xác định dù không tham gia được nhiều công tác xã hội thì mình cũng vẫn là một hậu phương cho chồng, con yên tâm công tác. Với vai trò người nội trợ ở nhà, bà lo việc cơm nước, giặt giũ quần áo cho chồng con và chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Ông bà có 4 người con gái cùng 4 chàng rể trong đó có 5 đảng viên, một tiến sỹ, 2 thạc sỹ. Tất cả đều có công ăn việc làm ổn định, biết chăm lo cuộc sống gia đình đồng thời hết lòng thương yêu, chăm sóc bố mẹ. Hằng tuần các con và 8 cháu ngoại đều có mặt đông đủ, quây quần cùng ông bà với bữa cơm đoàn viên, vui vẻ.

Ngoài công việc nội trợ trong gia đình, bà cũng vẫn tham gia các hoạt  động (theo khả năng) tại tổ dân phố và các đoàn thể như chi hội Cựu chiến binh, chi hội phụ nữ. Bà cùng các thành viên trong gia đình luôn nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương; hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào như cuộc "Vận động toàn dân xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và gia đình văn hóa trong cộng đồng dân cư", xây dựng "người Hà Nội văn minh, thanh lịch", thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tham gia đóng góp các quỹ v.v…. 

Là một thành viên hội Cựu chiến binh, bà mong rằng hội Cựu chiến binh ngày càng có thêm những vai trò trong trong đời sống xã hội, đưa các phong trào ngày một tiến lên.

Trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, bà thường xuyên lắng nghe các thông tin qua các phương tiện truyền thông, trao đổi với chồng con, tìm hiểu tiểu sử, quá trình hoạt động, thành tích của các ứng cử viên. Ngày bầu cử, bà đi từ sớm, dự lễ khai mạc và tham gia cùng các cử tri người cao tuổi, các cử tri đi bỏ phiếu lần đầu lên bỏ những lá phiếu đầu tiên. Bà tâm sự, bà rất vui vì thấy cuộc bầu cử lần này có nhiều đổi mới. Bà hy vọng Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm 2016 - 2021 chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động đổi mới, dân chủ và biết lắng nghe nhiều hơn ý kiến của cử tri.

Nhân ngày 27/7 năm nay, xin viết đôi dòng về bà một người cựu chiến binh, một đảng viên trên 50 năm tuổi đảng, một thương binh nặng với nghị lực phi thường, sống có niềm tin, biết cách vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống gia đình êm ấm, hạnh phúc. Với quá trình cống hiến của mình, bà đã được Nhà nước tặng một Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì, huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ cùng nhiều bằng khen và giấy khen các cấp. Bà thực sự là một gương sáng giữa đời thường, một bông hoa đẹp trong rừng hoa Cựu chiến binh đẹp muôn mầu, muôn sắc, "tàn nhưng không phế" như lời của Bác Hồ nói về họ; biết coi trọng danh dự và làm mới mình cho cuộc sống hiện tại. Đôi dòng này cũng là sự tri ân với biết bao những người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cả thân mình hoặc một phần xương máu vì nền độc lập tự do của Tổ quốc!

                                      Nguyễn Huy Hoàng