các bài viết chuyên sâu
Bà Lê Thị Bích Ngọc, Tổ trưởng tổ hòa giải tổ dân phố 18, là cầu nối giữa lãnh đạo tổ dân phố và nhân dân, là trung tâm của sự đoàn kết, bà xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ dân phố 18 gửi gắm, học tập.
Được sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng ủy, UBND phường, của Chi bộ các tổ dân phố, sự phối hợp chặt chẽ của các chi hội đoàn thể và sự nhiệt tình trách nhiệm của thành viên các tổ hòa giải nên trong nhiều năm qua trên địa bàn phường Ngọc Thụy đã hòa giải kịp thời các vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân góp phần đảm bảo an ninh trật tự. Tỷ lệ hòa giải thành đạt kết quả cao, trên 90% vụ việc được phát hiện kịp thời và hòa giải thành.
Là một trong những tổ dân phố đông dân nhất nhì phường Ngọc Thụy nhưng nhiều năm qua các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân Tổ dân phố 18 đều được phát hiện và kịp thời giải quyết. Mọi việc trong tổ luôn thực hiện “biến to thành nhỏ, việc nhỏ thành không có gì”; có được sự yên bình đó không thể không kể đến Tổ trưởng tổ hòa giải bà Lê Thị Bích Ngọc.
Bà Ngọc là người dân gốc Ngọc Thụy, hiện bà đang sinh sống cùng gia đình tại tổ dân phố 18 – phường Ngọc Thụy. Tôi biết đến bà khi bà còn là giáo viên, rồi Hiệu phó, Hiệu trưởng trường mầm non Ngọc Thụy; khi đưa con, cháu đến trường xin học tôi đã có cảm tình ngay với cô giáo Lê Thị Bích Ngọc, bởi sự gần gũi thân thiện, cách giải thích nhẹ nhàng dễ hiểu. Với sự nhiệt tình, yêu mến quê hương, có trách nhiệm với nhân dân, ngay từ khi còn công tác, ngoài việc chuyên môn, bà Ngọc đều dành thời gian tham gia các hoạt động cùng cán bộ, nhân dân tổ dân phố. Năm 2013 bà về nghỉ hưu, 2015 bà được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng dân phố, năm 2017 nghỉ tổ trưởng nhưng nhân dân vẫn tín nhiệm bầu bà làm tổ trưởng tổ hòa giải cho đến nay. Ai đã từng gặp bà Ngọc đều cảm thấy rất gần gũi, thân thiết như đã quen biết bà từ rất lâu, bởi cách nói chuyện chân tình, mộc mạc của bà làm cho những người xung quanh một cảm giác thật dễ chịu. 5 năm làm công tác hòa giải, với vai trò Tổ trưởng bà Ngọc luôn cùng các hòa giải viên kịp thời phát hiện và hòa giải thành những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để xảy ra những vụ đáng tiếc nào phải trình lên cấp trên.
Bà Lê Thị Bích Ngọc (người mặc áo hoa ngoài cùng) chủ trì cuộc họp giao ban tổ hòa giải
Bản thân bà Ngọc, mặc dù đã làm giáo viên, Hiệu trưởng trường Mầm non nhiều năm, nhưng bà không ngừng tìm tòi, học hỏi, nắm chắc pháp luật Nhà nước, nghiên cứu theo quy định pháp luật hiện hành thì giải quyết như thế nào để từ đó tích lũy kinh nghiệm cho bản thân trong quá trình thực hiện hòa giải ở cơ sở. Với người dân của mình bà luôn xác định: Hợp tình nhưng phải đúng luật, chính vì vậy mọi việc mâu thuẫn to, nhỏ những người dân trong tổ luôn yên tâm khi giãi bày những suy nghĩ, sự việc của gia đình xóm ngõ với bà; bằng lời lẽ hợp tình, hợp lý bà đã xoa dịu đi khi bầu không khí căng thẳng. Nói chuyện với chúng tôi về những cái khó trong quá trình hòa giải để xóa tan mâu thuẫn đem lại niềm vui, thuận hòa cho các bên, bà Ngọc chia sẻ: “Vận động, thuyết phục các bên thì dễ nhưng dùng lý lẽ, căn cứ vừa hợp tình, hợp lý, vừa đúng luật rất khó, nhất là trong các vụ tranh chấp về đất đai, chút hàng rào hay bức tường cạnh nhau, rồi cái cống, cái rãnh qua phần đất trống của nhau, cái mái nhà chảy nước xuống nhà bên.... tất cả đều trong không khí căng thẳng, nóng nảy, ai cũng muốn phần đúng thuộc về mình, không ai chịu nhường ai. Tuy nhiên, khi hai bên có ý kiến, chúng tôi đã họp lại và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực, sau đó tiến hành hòa giải, nên mọi việc đều ổn thỏa, không có vụ việc nào phải kiện cáo hay mâu thuẫn lớn”.
Bà Ngọc kể, hàng ngày bà hay lui tới thăm hỏi các gia đình trong tổ, phải đi lại, hỏi han, trò chuyện nhiều với mọi người mới biết được những chuyện to, chuyện nhỏ trong tổ, trong các xóm ngõ. “Việc hòa giải phải có lòng kiên nhẫn và sự nhiệt tình. Hiếm có vụ việc nào chỉ hòa giải một lần đã thành công, mà phải đi lại nhiều lần, lựa lời hỏi han, chia sẻ. Lúc thì trò chuyện với người này, khi thì tâm sự với người kia, để các bên cùng lắng nghe, thấu hiểu, dần dần hóa giải được mâu thuẫn. Cho dù vất vả hay mất nhiều thời gian công sức, nhưng bù lại là niềm vui sau mỗi lần hòa giải được mâu thuẫn giữa mọi người, là sự tin yêu, quý mến của nhân dân. Ngoài vai trò là một hòa giải viên, bà Ngọc còn được nhiều người biết đến là một người khéo dân vận, bằng uy tín của mình, gần 5 năm qua, bà đã cùng tổ dân phố, các chi hội đoàn thể vận động, thuyết phục các hộ dân thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, không lấn chiếm vỉa hè lòng đường…thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19, góp phần giữ cho bộ mặt đô thị tổ dân phố 18 luôn khang trang – sạch đẹp. Tổ 18 - phường Ngọc Thụy, đã vinh dự được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bà Ngọc chia sẻ thêm: “Bởi tổ dân phố 18 của chúng tôi toàn người dân địa phương, nên trong quá trình hòa giải tùy vào vụ việc cụ thể, tôi vận dụng thêm những phong tục tập quán ở địa phương, quy ước trong tổ, không trái với pháp luật Nhà nước và những hiểu biết về pháp luật có liên quan, nhẹ nhàng phân tích, giải thích cho có lý, có tình theo phương châm “đúng sai phân minh” - “lý tình trọn vẹn” nhằm thuyết phục cho hai bên đi đến thỏa thuận cùng hài hòa thống nhất vui vẻ và xóa tan tranh chấp". Bà kể, bà đã chứng kiến nhiều việc tưởng chừng như không nhìn mặt nhau, mất đi tình làng nghĩa xóm, nhưng với tinh thần quyết tâm của tổ hòa giải, những mâu thuẫn được xóa đi, vụ việc được hòa giải thành, mọi người thấy thêm trân trọng tình cảm xóm giềng.
Về thành tích hòa giải, bà Ngọc “khoe” làm người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” trong nhiều năm qua, bà đã cùng lãnh đạo tổ dân phố hòa giải thành trên chục vụ việc. Tổ hòa giải của tổ dân phố 18 mà bà Ngọc làm tổ trưởng trong 5 năm đều đạt Tổ hòa giải 5 tốt. Không chỉ có kinh nghiệm, mà công tác hòa giải ở cơ sở đòi hỏi cần phải có tâm huyết; khi nói về người tổ trưởng tổ hòa giải này, ông Lê Đăng Lễ – Phó Chủ tịch UBND và ông Nguyễn Anh Tuấn, công chức Tư pháp phường Ngọc Thụy cho biết: “Bà Ngọc là một trong những hòa giải viên tiêu biểu có tinh thần trách nhiệm, tích cực trong công tác hòa giải ở địa phương. Ở bà không chỉ có kinh nghiệm mà còn có tâm huyết, xuất phát từ yêu công việc và hình như công việc hoà giải đã thấm nhuần vào con người của bà”.
Những tâm sự của Lê Thị Bích Ngọc cho chúng ta thấy, để có được những kinh nghiệm cũng như phương pháp hòa giải là cả một quá trình lao động cần mẫn, không ngại khó khăn với mục đích chính là hàn gắn, xóa tan mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người.
Suy nghĩ về người cán bộ hòa giải của tổ dân phố 18, tôi không khỏi khâm phục và mong bà thêm nhiều sức khỏe để thực hiện tốt vai trò Tổ trưởng Tổ hòa giải ở địa phương. Trong tâm trí tôi vẫn còn văng vẳng câu nói chân tình, mộc mạc của bà Ngọc: “Lý do tôi tham gia hòa giải đơn giản là công việc giúp ích cho cộng đồng, đưa người dân sống gần với nhau hơn và đó chính là niềm vui trong cuộc sống của tôi”. Bà Lê Thị Bích Ngọc là cầu nối giữa lãnh đạo tổ dân phố và nhân dân, là trung tâm của sự đoàn kết, bà xứng đáng với niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân tổ dân phố 18 gửi gắm, học tập.
(Viết theo lời kể của bà Lê Thị Bích Ngọc)