các bài viết chuyên sâu

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích trên địa bàn phường Thạch Bàn
Ngày đăng 11/05/2022 | 00:54  | Lượt xem: 688

Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn phường Thạch Bàn đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Tính đến năm 2022, trên địa bàn phường Thạch Bàn có 05 cụm di tích với 10 cơ sở Đình, Đền, Chùa, Nghè, trong đó có 02 cụm di tích xếp hạng cấp quốc gia (cụm Di tích Đền Trấn Vũ – Chùa Cự Linh, cụm di tích Đình – Chùa – Nghè Ngô), 02 cụm di tích xếp hạng cấp Thành phố (Đình Cự Đồng, Đình – Chùa Thạch Cầu Bây), 01 điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến Nghè Đằng Đông và Đền Thượng Hội chưa xếp hạng di tích.

Là một trong những phường có nhiều di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng với những lễ hội truyền thống, di sản, di vật quý giá và độc đáo, Đảng ủy – UBND phường Thạch Bàn đã nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Hàng năm, UBND phường xây dựng và triển khai kế hoạch quản lý di tích và tổ chức lễ hội truyền thống, kế hoạch Công tác tôn giáo; Văn bản hướng dẫn về việc quản lý di tích trong dịp tết Nguyên đán và lễ hội truyền thống triển khai tới các Tổ dân phố, các tiểu ban quản lý di tích trên địa bàn phường để tổ chức thực hiện. Hướng dẫn các cơ sở hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng thực hiện thông báo tổ chức lễ hội, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của Luật Tôn giáo, Tín ngưỡng. Kiện toàn Ban quản lý di tích phường, các tiểu ban quản lý di tích trên địa bàn phường. Triển khai đến Tiểu ban Quản lý di tích, người đừng đầu cơ sở tôn giáo các văn bản, nội dung chỉ đạo của Thành phố, Quận và phường về công tác đảm bảo phòng, chống dịch bệnh tại di tích, đảm bảo an toàn mùa mưa bão…

Hội nghị triển khai nội dung tổ chức lễ hội truyền thống năm 2022

Chỉ đạo bộ phận Văn hóa & Thông tin, Đài truyền thanh phường thực hiện tuyên truyền về Luật di sản văn hóa, pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo, các quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Quy tắc ứng xử nơi công cộng; tuyên truyền về giá trị lịch sử - văn hóa – nghệ thuật, các lễ hội truyền thống, di vật, di sản tại các cụm di tích...Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã đưa các chủ chương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước phát huy giá trị di tích đến với người dân.

Công tác giới thiệu, quảng bá giá trị di tích, di sản văn hóa được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức: hệ thống truyền thông, cổng thông tin điện tử, đài truyền thanh phường, các báo đài…Từ năm 2015 đến nay, Đảng ủy – UBND phường đã tổ chức Lễ đón nhận các Quyết định công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Kéo co Ngồi, Tượng huyền thiên Trấn Vũ là Bảo vật quốc gia, 23 đạo sắc phong tại Đền Trấn Vũ là tài liệu lưu trữ quý hiếm, Quyết định công nhận nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đối với cụ Nguyễn Văn Sê; nghi lễ Kéo co ngồi là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh …gắn với lễ hội truyền thống hàng năm và quảng bá qua hệ thống thông tin báo đài.

Lễ đón nhận Bằng UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại "Kéo co ngồi"

Năm 2018, phường phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa; Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Hiệp hội Bảo tồn Nghi lễ và Trò chơi kéo co truyền thống của Hàn Quốc tổ chức chương trình giao lưu trình diễn giữa các cộng đồng có thực hành kéo co ở Hà Nội (Long Biên, Sóc Sơn) với các hội kéo co của Hàn Quốc và tọa đàm về kéo co của hai nước nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Tại buổi tọa đàm đã tiếp đón đại diện Hiệp hội trò chơi kéo co ngồi truyền thống Hàn Quốc với 28 hội viên đến từ 6 tỉnh thành và tổ chức trình diễn nghi lễ Kéo co ngồi của Việt Nam và Kéo co của Hàn Quốc đồng thời thực hiện giao lưu: đại diện Hàn Quốc tham gia vào nghi lễ Kéo co ngồi của Việt Nam và ngược lại. Tháng 4/2019 UBND phường và Tiểu ban QLDT Đền Trấn Vũ – Chùa Cự Linh đã tổ chức Đoàn tới thăm và giao lưu, trình diễn Kéo co ngồi tại thủ đô Seoul – Hàn Quốc.

Tọa đàm và giao lưu Kéo co với Hiệp hội kéo co Hàn Quốc tại di tích đền Trấn Vũ

Nhiều giá trị truyền thống khác trong các lễ hội của Thạch Bàn tạo dấu ấn và được đông đảo người dân biết đến, tham gia như: lễ rước kiệu làng Ngô, hội thi chim lễ hội Đình Cự Đồng, lễ chém thủ lợn Anh (chém tượng trưng) cùng các trò chơi dân gian chạy ngựa, bắt vịt, đập niêu, đi cầu khỉ, hát quan họ lễ hội Đình - Chùa Thạch Cầu Bây...Tất cả đã tạo nên những nét đặc sắc riêng có của lễ hội truyền thống Thạch Bàn – vùng đất địa linh nhân kiệt lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa.

Hội thi chim cảnh tại lễ hội truyền thống Đình Cự Đồng

Lễ rước kiệu làng Ngô - nét văn hóa đặc sắc thu hút đông đảo người dân 

Nghi thức chém thủ lợn Anh tại lễ hội Đình Thạch Cầu Bây

Để phát huy giá trị các di tích, năm 2021 UBND phường đã phối hợp với Phòng VHTT và Viện Hán Nôm kiểm kê 100% di tích và biên dập, biên dịch tư liệu chữ Hán - Nôm tại các di tích trên địa bàn phường.

Biên dịch tư liệu chữ Hán - Nôm tại di tích đền Trấn Vũ

Công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo các di tích cũng được Đảng ủy – UBND phường quan tâm: trong những năm qua đã đề xuất và được khởi công trùng tu, tôn tạo một số di tích từ nguồn ngân sách nhà nước. Việc trùng tu, tu sửa được thực hiện nghiêm túc, dưới sự quản lý của các cơ quan chuyên môn và theo quy định của Luật Di sản văn hóa; trên cơ sở giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích và khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng và được Nhân dân đồng tình ủng hộ như: di tích Chùa Thạch Cầu Bây, chùa Ngô...đồng thời tổ chức các hội thảo khoa học về giá trị lịch sử - văn hóa Nghè Đằng Đông, cụm di tích Đền Trấn Vũ – Chùa Cự Linh phục vụ quy hoạch, phục hồi, tu bổ, tôn tạo di tích trong thời gian tiếp theo.

 Di tích chùa Cầu được tu bổ, tôn tạo đáp ứng nguyện vọng của nhân dân

Hội thảo khoa học về giá trị lịch sử - văn hóa di tích Chùa Ngô

Các di tích không chỉ là nơi tổ chức lễ hội, nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Hàng năm, Phòng Giáo dục và Đào tạo Quận xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và tổ chức cho học sinh tham quan tìm hiểu cụm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Quận. Trong đó, cụm di tích quốc gia Đền Trấn Vũ – Chùa Cự Linh phường Thạch Bàn nằm trong danh mục địa điểm tham quan của Quận. Từ năm 2018, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Trấn Vũ đã tiếp nhận lượt tham quan của hàng nghìn học sinh các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn phường và quận. Tiểu ban quản lý di tích đã phân công hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử, kiến trúc, hiện vật tại di tích như bảo vật quốc gia Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ, di sản văn hóa phi vật thể Kéo co ngồi, các đạo sắc phong được công nhận là tài liệu lưu trữ quý hiếm… Qua hoạt động trên góp phần giới thiệu về di tích, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ học sinh trên địa bàn quận.

Học sinh Tiểu học các trường trên địa bàn Quận tham gia học tập, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa tại di tích Đền Trấn Vũ

Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phường đạt hiệu quả trong thời gian tới, Đảng ủy – UBND phường tiếp tc đưa ni dung bảo tồn, phát huy giá trị di tích, các di sản văn hóa là ni dung quan trng trong kế hoch qun lý nhà nước v di tích, tôn giáo, tín ngưỡng và lễ hội hàng năm của địa phương. Tăng cường và đa dạng hóa hình thức tuyên truyền và hướng tới tuyên truyền cho thế hệ học sinh, thanh niên tại địa phương hiểu về di tích và các di sản, bảo vật với những ý nghĩa linh thiêng, đặc trưng góp phần phát huy giá trị, không để di sản bị mai một hoặc biến tướng. Đồng thời nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, cán bộ quản lý văn hóa, Tiểu ban quản lý di tích cũng như của nhân dân về ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Gắn những nội dung trong công tác bảo vệ tích với tình hình thực tế của địa phương để có phương hướng bảo tồn và phát huy giá trị./.